8 năm #6 - Ngu điện
📅 15-03-2022
“Học hành như cá kho tiêu
Kho nhiều thì mặn học nhiều thì ngu.”
Đây là hai câu mà tôi vẫn thường hay nghe bạn bè nói từ hồi học cấp hai. Đôi lúc tôi cũng nói hai câu này với ba mẹ mỗi khi bị bắt học bài, hoặc với ai đó chỉ biết cắm mặt vào sách vở suốt ngày.
Mỗi lần, dù nghe ai nói hay tự tôi nói thì trong đầu tôi đều có một câu hỏi: “Vì răng học nhiều thì lại ngu, đáng lẽ học nhiều thì phải giỏi hơn chơ?” Câu hỏi hóc búa này cứ quanh quẩn trong đầu tôi suốt mấy năm, và trong từng ấy thời gian, tôi vẫn đi tìm câu trả lời cho nó. Nhiều lần tôi đã nghĩ rằng sẽ không tìm ra được. Chỉ khi lên lớp mười hai, tôi mới có thể tìm được câu trả lời mà tôi tìm kiếm bây lâu nay. Nhưng không chỉ tìm ra được câu trả lời, tôi còn tự mình trải nghiệm cảm giác càng học càng ngu là như thế nào.
Nhưng trước hết, tôi muốn thay đổi một chút. Tôi không muốn dùng từ “ngu”. Bởi nếu nói tôi ngu thì chẳng khác nào tôi đang tự xúc phạm mình, lòng tự trọng không cho phép tôi làm điều đó. Hơn nữa từ “ngu” nghe không sang. Thay vì vậy, tôi sẽ nói là “học nhiều mông lung”.
Cảm giác mông lung đến với tôi sau những buổi đầu học thêm Hóa của lớp mười hai. Đó là khi tôi nhận ra cả một đống kiến thức như khái niệm, cấu tạo, tính chất vật lý và tính chất hóa học của các chất mà tôi vừa mới học mấy bữa trước, bây giờ đã mất đi đâu gần hết. Chỉ còn một ít kiến thức như cách tính số mol, vài công thức tính toán, và tính chất của các chất vẫn đọng lại trong đầu tôi.
Mỗi khi làm bài tập, vốn kiến thức ít ỏi mà tôi có chỉ giúp tôi làm được vài câu. Để làm được những câu khác, tôi phải ngồi lật lại từng trang vở để tìm kiến thức liên quan. Khi tìm được rồi thì sẽ có hai trường hợp xảy ra: hoặc là tôi sẽ nhớ kiến thức đó và dùng nó cho những lần sau; còn không thì chỉ nhớ được trong khi làm bài tập, sau đó lại tiếp tục quên.
Trường hợp đầu tiên có một vấn đề là khi tôi nhớ được kiến thức mới, thì lại quên đi kiến thức cũ. Đầu tôi giống như một ly nước đã đầy, nếu đổ thêm nước vào thì nước trong ly sẽ tràn ra ngoài. Chuyện này càng trở nên thường xuyên hơn khi kiến thức tôi học mỗi lúc một nhiều. Tôi cứ học rồi lại quên, mỗi khi quên là tôi lại học, nhưng khi học được rồi thì tôi lại quên.
Cái vòng lặp học – quên này diễn ra liên tục. Nó diễn ra nhiều đến nỗi có những lúc ngồi nghe cô giảng bài, mà có nhắc đến những kiến thức đã học là tôi lại thắc mắc tự hỏi: “Mình học cái ni chưa hè? Hắn nằm ở phần mô, trang mô ta? Cô dạy cái ni rồi à?”
Hơn nữa, trạng thái mông lung của tôi không chỉ có ở môn Hóa, nó còn lây sang cả môn Lý. Nhưng những gì tôi trải nghiệm ở môn Lý lại rất khác so với môn Hóa.
Sau bài Lý đầu tiên, tôi về nhà ôn lại các khái niệm và công thức tính toán đã học. Học xong bài hai, tôi cũng về nhà ôn lại các kiến thức như đã làm với bài một. Đến bài ba, tôi bắt đầu hoang mang không hiểu những cái tôi đang học có liên quan gì đến nhau.
Dù có thể học thuộc bài một, bài hai nhưng tôi lại không hiểu nội dung của chúng. Những cái tôi học như một ngôi nhà không có móng được xây giữa bùn lầy. Khi một ngôi nhà không có móng mà còn được xây giữa bùn lầy thì nó sẽ không thể đứng vững. Đến bài ba, ngôi nhà không vững vàng của tôi cuối cùng cũng bị sập. Tôi không hiểu, không nhớ và cũng không thể vận dụng kiến thức để làm bài tập.
Sang đến các bài tiếp theo, tình trạng đó vẫn cứ tiếp diễn. Trong bài kiểm tra mười lăm phút đầu tiên, tôi không thể tự làm được một câu nào, chỉ ngồi chờ bạn vẽ bài. Sau bài kiểm tra đó, tôi quyết định từ nay sẽ không học môn Lý nữa, vì dù tôi có học thế nào thì cũng không thể hiểu được. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi bỏ học một môn trên lớp.
Trong những tiết Lý sau đó, tôi vẫn ngồi nghe thầy giảng và chép bài đầy đủ; nhưng chỉ làm cho có vì tôi cứ mông lung không biết mình đang nghe cái gì và chép cái gì.
Ở lớp mười hai, tôi cũng gặp tình trạng tương tự với anh em của môn Lý là môn Công nghệ. Tôi nói hai môn này là anh em vì chúng có một điểm chung là đều có học điện. Từ những năm cấp hai, tôi đã có vấn đề mỗi khi học về điện. Học Lý mà cứ tới phần điện là tôi phải trầy trật lắm mới làm được. Nó giống như một lời nguyền vậy. Tôi không hiểu Quy tắc bàn tay nắm bàn tay, không thể đọc hay vẽ mạch điện, và không biết tính các chỉ số điện. Công nghệ lớp chín thì lại học về vẽ và lắp mạch điện. Lúc ấy tôi có thể đã phải ở lại lớp vì môn này. May nhờ có thằng Quang ngồi cùng bàn vẽ bài nên tôi mới qua được môn. Hắn biết mấy cái về điện, môn học nghề của hắn cũng là học điện.
Sau khi đọc xong trang mở đầu của sách Công nghệ 12, tôi biết là năm nay tôi không xong rồi. Cả năm mười hai sẽ chỉ học mỗi điện. Tuy nhiên, tôi không muốn bỏ cuộc tại đây. Tôi tự tin rằng mình có thể phá bỏ lời nguyền đã ám lên mình bấy lâu nay. Tôi vẫn hy vọng mình sẽ học được, sẽ tự làm toán và vẽ được mạch điện mà không nhờ đến ai cả.
Cuối cùng, những điều tôi hy vọng đã không trở thành sự thật. Sau bài đầu tiên, tôi nhận ra là học điện quá khó. Tôi không thể tiếp tục bấu víu vào hy vọng viển vông khi trước nữa, cho nên tôi cũng thả luôn môn Công nghệ.