8 năm #44 - Hành xác
📅 02-05-2023
Tôi thót tim chồm người tới trước. Chiếc xe đứng yên giữa lưng chừng đèo. Tôi nín thở nhìn bác tài ngồi trước. Bác lùi xe lại một chút rồi đi lên tiếp.
Lúc đầu tôi với chị Na đã định chạy xe máy lên đỉnh Bạch Mã. Nhưng ở đây không cho khách đi xe máy lên, nên chúng tôi phải đi ghép xe trung chuyển với hai anh chị khác.
Xe của chúng tôi leo lên con dốc dựng đứng, qua hết góc cua cùi chỏ này tới góc cua cùi chỏ khác. Càng lên cao, không khí càng mát mẻ dễ chịu. Cây cối bên đường xanh tươi với nhiều loại kỳ lạ. Có cây lá đỏ đứng lẫn giữa những cây lá như một ngọn đuốc. Hay những cây dương xỉ thân to hơn vòng tay tôi, có tán lá rộng tỏa bóng cả đoạn đường. Ngoài ra còn có những ngôi biệt thự cổ và nhà hàng được đặt tên theo loài hoa như Đỗ Quyên, Cẩm Tú và Phong Lan.
Xe dừng lại ở bãi đậu xe. Ở đây còn có một chiếc taxi đang chờ khách. Bác tài chỉ cho chúng tôi con đường mòn trước mặt.
“Mấy cháu cứ đi thẳng đường ni là lên tới đỉnh.”
Chúng tôi đi bộ lên con đường mòn. Cây cối hai bên phủ bóng râm trên đầu. Không khí mát lạnh, hòa cùng mùi của đất ẩm và cây cỏ thơm lừng. Trên những mảng rêu xanh mọc trên vách đá vẫn còn đọng lại vài giọt nước long lanh. Tiếng ve kêu inh ỏi khắp khu rừng.
Cuối đường mòn, chúng tôi đi lên một cầu thang đá. Bầu trời xanh ngắt rộng lớn hiện ra. Chị Na đi tới cái chuông đồng to cạnh đầu cầu thang, rồi đẩy mạnh cây đánh chuông. Tiếng boong ngân vang giữa núi rừng. Chúng tôi đi qua bức tượng rùa đá vác trên mai tấm bia khắc, “Non thiêng Bạch Mã”, rồi lên Hải Vọng Đài, ngôi nhà hai tầng nằm trên đỉnh.
Ở tầng một của ngôi nhà chỉ có duy nhất bộ bàn ghế gỗ đặt ở chính giữa. Một gia đình người nước ngoài gồm ba người đang ngồi ở đó. Chúng tôi lên tầng hai bằng cái cầu thang nằm bên ngoài ngôi nhà. Từ đây có thể thấy hết núi rừng và biển trải dài tới chân trời qua những ô cửa sổ. Dưới mỗi ô cửa đều có một cái bàn gỗ khắc hình ảnh và thông tin về góc nhìn từ ô cửa đó. Chị Na chỉ cho tôi cái hồ được bao quanh bởi mấy ngọn núi. Giữa hồ có hòn đảo với bức tượng Phật ngồi giữa. Đó là thiền viện Trúc Lâm, chỗ chị mới đi ngày qua.
Chúng tôi quay lại bãi đậu xe. Bác tài chở chúng tôi xuống nhà hàng Đỗ Quyên. Cạnh nhà hàng có bảng chỉ đường vô Ngũ Hồ. Bác đưa số điện thoại của bác cho chị Na, dặn tí nữa xuống dưới gọi cho bác, rồi lái xe đi.
“Bác tài nói xuống chỗ mô gọi cho bác rứa chị Na?” tôi hỏi.
“Chị không biết.” Chị quay qua nhìn hai anh chị kia. “Hai bạn có biết không?”
“Tụi mình không biết,” anh con trai trả lời.
“Rứa anh chị có đem theo bản đồ không?”
“Không em.”
“Thôi gọi hỏi bác tài cho chắc cho rồi chị Na ơi.”
Chị gọi cho bác.
“Bác nói đi hết Ngũ Hồ là thấy đường ra chỗ đậu xe.”
Chúng tôi đi theo bảng chỉ đường. Được một đoạn thì thấy ngôi nhà hoang bên đường. Người ta dùng chỗ này để làm kho chứa mấy cái giường tầng và bàn ghế.
Qua khỏi ngôi nhà, đi thêm một đoạn nữa, chúng tôi tới một cái hồ. Ở đây đường gồ ghề khó đi. Chúng tôi phải trèo thang gỗ và đu dây cáp trên vách đá đầy rêu.
Men theo con suối tới hồ thứ hai, chúng tôi gặp lại gia đình người nước ngoài khi hồi. Hai vợ chồng với thằng cu đang đu dây qua vách đá. Người chồng đu qua trước đỡ thằng cu rồi tới người vợ.
Chúng tôi dừng lại nghỉ ở hồ thứ ba. Tôi cởi áo xuống tắm. Nước lạnh buốt như nước đá. Gia đình kia thay đồ bơi. Thằng cu hớn hở chạy xuống vọc nước với ba mẹ mình. Tôi bơi ra giữa hồ rồi lặn xuống. Ở đưới đen ngòm và sâu hút.
Chơi một lúc, tôi lên mặc áo đi tiếp. Gia đình kia ở lại ăn trưa. Vừa đi, tôi với chị Na chia nhau mấy cái bánh ngọt mua khi sáng.
Trời đổ mưa to. Nhưng những tán cây trên đường che hết cho chúng tôi rồi.
Qua khỏi hồ thứ năm, chúng tôi tới một ngã ba. Tấm bảng treo trên cây chỉ đi thẳng sẽ tới thác Đỗ Quyên, còn rẽ phải sẽ ra bãi đậu xe.
“Mọi người muốn đi tới thác Đỗ Quyên không?” chị Na hỏi.
“Đi chơ chị.”
“Tụi mình cũng đi,” chị gái nói.
Chúng tôi tới đỉnh thác Đỗ Quyên. Tôi đứng ở mỏm núi nhìn xuống. Mấy tảng đá nhô ra che hết tầm nhìn. Tôi đi tới cầu thang gần đó.
“Mình đi xuống dưới coi chị Na hè?”
“Ừ.”
Tôi với chị Na đi xuống. Hai anh chị kia cũng đi theo.
Lúc tôi với chị Na chuẩn đi Bạch Mã, ba tôi nói thác Đỗ Quyên đẹp lắm, vì trước đây ba từng lên đây làm. Nhưng ba lại không nói tới chuyện đường đi xuống vừa dài vừa dốc. Thêm cả mấy bậc thang phủ đầy rêu. Cơn mưa khi hồi làm đường trơn hơn. Tay vịn cầu thang cũng bị rỉ sét và gãy nhiều chỗ. Tôi phải cẩn thận bước xuống từng bậc một. Có đoạn, cây trên vách núi bật gốc nằm chắn giữa đường, làm bể một phần cầu thang. Tôi trèo qua thân cây, rồi thấp thỏm bước trên mấy chỗ bị nứt.
Gần tới bậc thang cuối cùng, tôi nhìn quanh chân cầu thang. Ở dưới chỉ là một khu rừng im ắng.
“Mình lên cho rồi chị Na ơi. Chơ xuống nữa là tí lên có khi trời tối luôn đó.”
“Ừ. Chị cũng thấy vậy. Còn hai người kia thì sao?”
Tôi nhìn hai anh chị đang đi ở dưới. “Chị kêu họ lên luôn.”
“Hai bạn ơi!”
Chị Na xuống nói gì đó với họ, rồi ba người đi lên. Tôi cũng quay lên đi trước.
Nếu đường đi xuống khi hồi mệt một, thì đường đi lên bây giờ mệt một ngàn. Chỉ mới lên vài bậc mà tôi thở hổn hển. Đầu gối và bắp chân đau nhức. Mỗi bước chân đều nặng trịch. Mồ hôi chảy ròng trên mặt. Cái áo của tôi vắt ra nước được luôn.
Cứ đi một đoạn, tôi lại đứng nghỉ lấy sức. Đang thở lấy thở để, tôi ngơ ngác nhìn lên trên. Gia đình khi hồi đang đi xuống. Người chồng cõng thằng cu trên vai đi trước, còn người vợ theo sau.
Chị Na đi trước tôi xua tay nói, “Don’t… go… down…”
Họ mỉm cười bước qua chúng tôi.
Lên tới đỉnh, tôi cởi cái áo treo lên cây. Từ mấy dãy núi đằng xa, gió thổi tới mát rượi. Mây đen che kín khoảng trời phía trên mấy dãy núi đó. Một tia nắng chiếu xuyên qua lớp mây xuống khu rừng, như cái cầu thang màu vàng dẫn lên trời.
Sau khi lấy lại sức và áo đã khô, chúng tôi quay lại ngã ba rồi ra bãi đậu xe. Bác tài đã đứng chờ chúng tôi. Bác chở chúng tôi xuống cổng.
Lấy xe xong, tôi chở chị Na về biển Cảnh Dương. Chị chỉ đường cho tôi vì ngày qua chị mới đi.