8 năm #4 - Cái cặp cũ

📅 22-02-2022

Trước khi vào học năm lớp mười, ba mua cho tôi một cái cặp màu xanh lục sẫm. Từ ấy đến nay, tôi vẫn luôn mang nó đến trường mỗi ngày. Có những buổi trưa trời mưa mà tôi quên đem theo áo mưa, nó nằm dầm mưa trước giỏ xe cùng tôi về nhà. Có những buổi trưa hè trời nóng như đổ lửa, nó nằm phơi nắng trước giỏ xe cùng tôi về nhà. Hay có những buổi trưa tôi bị thằng Nhật bắt chở đi “bát phố”, nó vẫn nằm trước giỏ xe cùng tôi dạo quanh đường phố của Huế.

Hai năm qua, dù tôi đã giữ gìn rất kỹ nhưng sau thời gian dài dầm mưa dãi nắng, cái cặp đã bị hư hỏng ít nhiều. Những dây khóa kéo bị bung và móc khóa bị gãy đã được thay đi thay lại vài lần. Mỗi lần đóng hay mở cặp, tôi đều kéo khóa hết sức nhẹ nhàng vì sợ rằng đó sẽ là lần cuối cùng tôi được kéo cái khóa này, và từ lần sau, tôi sẽ kéo một cái khóa mới. Nỗi sợ đó luôn đi cùng với nỗi sợ ba tôi phải tốn mấy chục ngàn tiền thay dây khóa.

Lớp vải của cặp cũng đã sờn. Có chỗ không biết bị rách từ bao giờ. Những đường chỉ may trên cặp đã bị đứt vài đường. Tôi không biết khi nào những đường chỉ này sẽ đứt hết, nhưng nếu ngày ấy tới, đó sẽ là một điều rất khủng khiếp.

Tôi tưởng tượng ra cảnh tôi đang đi học về trong một buổi trưa trời mưa to. Sáng hôm ấy trời vẫn tạnh ráo, xe đạp bị hư nên tôi phải đi bộ đi học. Đến trưa, lúc gần ra về, trời đổ mưa to. Con đường tôi đi về bị ứ nước cao tới gần đầu gối. Tôi lội qua chỗ nước ứ đó. Đang trong lúc đi, tôi đột nhiên nghe thấy tiếng toạc, cái cặp phía sau lưng nhẹ hẳn, tiếp đó là những tiếng tủm và nước văng lên ướt tay tôi. Tôi đưa tay sờ vào cặp. Đáy cặp đang ve vẩy sau mông tôi để lộ một cái lỗ to đùng ở phía trên. Tôi quay lại nhìn phía sau. Toàn bộ sách vở của tôi đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Chúng đang trôi từ từ đến gần miệng cống có nước chảy xiết. Tôi tá hỏa, vội vàng chạy đến vớ lấy chúng, nhưng tôi càng chạy nhanh, chúng càng trôi ra xa hơn. Cuối cùng, tất cả biến mất trong lỗ cống. Sau đó, sách vở của tôi trôi theo dòng nước ra sông, rồi từ sông trôi ra biển. Ở giữa biển cả mênh mông, những con sóng dữ đánh tan nát mọi thứ.

Khi ấy, nếu không có sách vở, tôi sẽ không thể học bài. Nếu không thể học bài, tôi sẽ không thể đi thi. Nếu không thể đi thi, tôi sẽ không thể tốt nghiệp. Nếu không thể tốt nghiệp, tôi sẽ không thể vào đại học. Nếu không thể vào đại học, tôi sẽ không có việc làm. Nếu không có việc làm, tôi sẽ không kiếm được tiền. Nếu không kiếm được tiền, tôi sẽ sống phần đời còn lại trong nghèo đói. Tương lai của tôi sẽ tan nát giống như những quyển sách, quyển vở của tôi. Tôi không muốn điều này xảy ra. Tôi vẫn còn muốn đi học. Tôi phải làm gì đó để ngăn chặn điều này.

Để chuẩn bị cho lớp mười hai, ba mẹ đã mua cho tôi bộ sách giáo khoa đầy đủ các môn. Trong những ngày đầu đi học, ngày nào tôi cũng đem sách của những môn có trong ngày hôm ấy đi học. Nhưng khi biết được rằng thầy cô không quá khắt khe về chuyện đem sách, tôi bỏ hết chúng ở nhà.

Có lẽ đây là lúc thích hợp để cho cái cặp già nua nghỉ ngơi sau khi phải mang quá nhiều sách vở trong suốt thời gian qua. Làm như vậy thì cái ngày khủng khiếp mà tôi lo sợ sẽ không xảy ra nữa, tương lai của tôi vẫn được giữ nguyên vẹn.

Sau khi bỏ hết sách ở nhà, những thứ còn lại trong cặp tôi bây giờ chỉ là vở của các môn, bút, thước, máy tính, một chai nước và một quả chuối. Chắc là tôi nên giải thích một chút về sự xuất hiện của chai nước và quả chuối.

Lúc trước tôi không bới theo nước đi học, chỉ toàn ra căn tin mua. Nhưng sau một thời gian, tôi thấy làm như vậy rất tốn kém. Mỗi ngày tôi mua một chai nước hết năm ngàn. Một tuần, đi học sáu ngày, tôi tốn ba chục ngàn; một tháng là một trăm hai chục ngàn; một năm học là hơn một triệu tiền mua nước. Số tiền một triệu này đối với nhiều người có lẽ không lớn, nhưng đối với tôi, nó bằng với rất nhiều bữa ăn. Hàng ngày mẹ chỉ cho tôi hai chục ngàn tiền ăn. Tôi ăn sáng hết mười ngàn và mua nước hết năm ngàn. Với năm ngàn còn lại, tôi không biết bữa lỡ nên ăn cái gì. Có lẽ tôi sẽ thoải mái lựa chọn hơn nếu có thêm năm ngàn nữa.

Việc đi mua nước cũng là một vấn đề. Nếu có ai hỏi tôi: “Khoảng cách nào trên thế giới là xa nhất?” Tôi sẽ trả lời là khoảng cách từ lớp tôi tới căn tin vào mùa đông. Có những lúc trời mưa liên tục cả tuần, cả tháng. Khi ấy mọi thứ trở nên ẩm ướt và lạnh lẽo. Đi mua nước trong thời tiết như vậy đòi hỏi lòng can đảm rất lớn. Có thể câu chuyện đi mua nước của tôi sẽ trở thành câu chuyện truyền cảm hứng và động lực sống cho mọi người trên toàn thế giới. Chỉ tiếc là tôi không có đủ can đảm để làm việc đó, tôi thích ngồi trong lớp ấm áp hơn là ra ngoài căn tin mua nước.

Hơn nữa, tôi chưa bao giờ uống hết một chai nước trọn vẹn. Mấy đứa trong lớp cứ coi tôi như “mạnh thường quân”. Hôm nào cũng có đứa nói với tôi: “Ê Phong, cho tao miếng nước.” Có khi cả mấy đứa cùng chuyền tay nhau chai nước của tôi. Lúc ấy chưa hết giờ ra chơi mà nước trong chai đã hết. Tôi không biết tốn tiền mua nước làm gì trong khi không uống được bao nhiêu. Thà tôi bới nước từ nhà theo còn tốt hơn, như vậy sẽ đỡ tiếc tiền, và cũng coi như là tôi giảm xả rác, bảo vệ môi trường.

Còn về chuyện quả chuối. Lần đầu tiên thấy tôi ngồi lột chuối ăn, mấy đứa xung quanh nói tôi sắp “tiến hóa ngược” về làm Tôn Ngộ Không, nhưng đằng sau đó là một vấn đề liên quan đến sức khỏe của tôi. Tôi ăn chuối vì tôi hay bị hạ đường huyết. Tôi không biết vấn đề này xuất hiện từ bao giờ. Những lúc bị như vậy, tôi thường cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, mất tập trung, hơi thở nặng nề, tay chân bủn rủn, không còn một chút sức lực nào. Nếu đang trong giờ học mà bị hạ đường huyết thì việc giữ chặt bút trong tay để viết thôi là cả một vấn đề rất lớn đối với tôi.

Vì không biết khi nào sẽ bị hạ đường huyết nên tôi thường ăn một quả chuối trước khi vào tiết bốn, như vậy tôi sẽ có đủ sức để ngồi học thêm hai tiết nữa. Tôi chọn chuối bởi vì nó dễ ăn hơn các loại quả khác. Tôi không cần phải cắt gọt gì hết, cứ lột vỏ ra là ăn được. Tôi cũng chọn chuối thay vì bánh kẹo bởi khi ấy tôi đang tập tạ, và đã kiêng đồ ngọt và mỳ tôm được hơn nửa năm.

Kết thúc tuần học đầu tiên, tôi nghỉ lễ Quốc khánh. Vì ngày lễ rơi vào Chủ Nhật nên tôi được nghỉ bù thêm ngày thứ Hai. Sau đó hai ngày là ngày khai giảng. Buổi sáng hôm ấy, tôi đến trường trễ. Lúc đến gần hàng của lớp tôi, tôi thấy thầy chủ nhiệm đang đứng cạnh đó nhìn mình. Tôi đến chỗ thầy, thầy vẫn nhìn tôi rồi hỏi:

“Cả trường chuẩn bị khai giảng rồi mà em còn không đi nhanh lên?”

Tôi trả lời thầy: “Dạ em mới ăn sáng xong, bụng em còn no. Em sợ vận động mạnh dễ bị đau dạ dày.”

Giờ sinh hoạt cuối tuần đó, tôi bị thầy nhắc nhở trước lớp.